Sân khấu Nghệ Thuật Thiên Đăng trân trọng giới thiệu đến quý khán giả vở thoại kịch đầu tiên của sân khấu, do NSƯT Thành Lộc làm đạo diễn.
Giáng Hương nguyên tác là vở tuồng “Sân Khấu Về Khuya” được biên bởi cố soạn giả Năm Châu (NSND Nguyễn Thành Châu), từng được dựng thành nhiều phiên bản khác nhau trong suốt 60 năm qua, đã được NSƯT Thành Lộc chăm chút phiên bản thoại kịch với những thay đổi trẻ trung, hiện đại và nâng chất để tác phẩm không mất đi vẻ đẹp truyền thống, mà mang tư duy mới về góc nhìn của đời nghệ sĩ dưới con mắt thời đại.
Thiên Đăng chọn kịch bản này, dựng lại với tên gọi “Giáng Hương” như sự tôn vinh và tri ân dành tặng những tiền nhân trong lĩnh vực nghệ thuật. Những người mà tinh thần của họ, tôn chỉ nghệ thuật của họ chính là ngọn đèn trời soi sáng cho những lớp hậu bối ngày nay
Sự kiện có xuất VAT. Khách hàng lưu ý gửi thông tin cần thiết trong vòng 24h kể từ khi mua vé để được hỗ trợ. Sau thời gian trên, BTC xin phép được từ chối xuất hoá đơn.
Võ Gia Khang –
tác phẩm quá hay quá cảm động. tôi thích nhất là nhân vật Giáng Hương – Lê Khánh diễn xuất quá tuyệt đỉnh trong tác phẩm này
Michail william –
Kịch rất hay và ý nghĩa. Cánh diễn xuất của các diễn viên quá xuất sắc rồi không có gì để bàn cãi nữa! Nói chung đây là vở kịch đáng xem của sân khấu
Nhân –
Cần lắm nhiều tác phẩm có chiều sâu về nội dung như Giáng Hương – Sân khấu về khuya.
Quỳnh Phương –
Trước hết con (em) xin chân thành cám ơn tất cả cô bác anh chị đã phục dựng lại một tác phẩm nghệ thuật rất ý nghĩa về 2 trường phái nghệ thuật: “Nghệ Thuật Vị Nhân Sinh” và “Nghệ Thuật Vị Nghệ Thuật” của Ông Năm Châu ạ. Tiếp đến, cảm nhận của con (em) khi lần đầu được coi vở chính kịch nói về quan điểm làm Nghệ Thuật: Cũng là câu chuyện xoay quanh những vấn đề chính yếu khi làm nghề và những mối quan hệ giữa những người đồng nghiệp, giữa nghệ sỹ và khán giả, giữa các thành viên trong gia đình; có thể nói là đơn giản vô cùng ngay đến bày trí sân khấu cũng rất tối giản luôn ạ. Song lại rất tinh tế và sâu sắc, cá nhân con nghĩ nó phù hợp với bối cảnh của từng giai đoạn trong lớp diễn, không thừa không thiếu. Hm… cái này ý kiến chủ quan của con khi xem kịch thôi ạ, nếu cô chú anh chị thấy ý này cũng tạm được thì có thể cân nhắc diễn thử cho nhau xem trước đã rồi thử diễn 1 suất cho khán giả coi. Nếu hong thì thôi ạ. Dạ ý của con là, ở lớp diễn cuối cùng khi mà Lĩnh Nam đồng ý cho Giáng Hương ra diễn lớp độc thoại của Huyền Trân ấy ạ, mình có thể cho Huyền Trân độc thoại trong cái không gian tắt đèn hết chỉ còn mỗi ánh sáng hắt từ phía sau lên thì nhìn cái bóng đổ về trước kèm theo động tác của Huyền Trân trong lúc độc thoại nữa thì cá nhân con nghĩ nó sẽ tạo cảm giác rằng Huyền Trân đang kiểu suy tư nhiều điều khi đi đến quyết định đi đám cưới với Chế Mân, rồi từ từ cái đèn hắt lên phía trước để cái bóng nó ở trên cái phông trắng phía sau thì lúc này ánh đèn chiếu lên Huyền Trân mờ dần thì ngay lúc ánh đèn mờ dần thì tầm nhìn khán đài lên cũng mờ dần theo thì lợi dụng ngay cái khoảnh khắc tối mờ mờ và chỉ còn thấy bóng lưng và chỉ thấy cái má của Huyền Trân thì Giáng Hương bị lên cơn đau tim dữ dội nữa vì mới dùng toàn bộ sức lực để mà diễn cái lớp độc thoại đó kiểu cũng chịu hết được rồi khuỵu gối xuống cái tư thế xoay đầu gối trong tập thể dục ấy ạ thì Giáng Hương khẽ liếc nhìn nhẹ xuống khán giả rồi lại liếc nhìn nhanh vào cánh gà thấy Lĩnh Nam đang khóc quá trời nhưng vẫn nở nụ cười tươi mà động viên trong cái giọng tiếp thêm động lực tạo cái niềm tin chắc chắn và có cái nấc nhẹ vì Lĩnh Nam đau lòng khi thấy vợ mình lên cơn đau tim dữ dội vì đã dùng lực quá nhiều “ráng lên! Mình diễn được mà” ạ. Thì ngay lúc này cái đèn chiếu vào diễn viên tắt đi, chỉ còn cái ánh đèn hắt cái bóng đang đứng cái tướng của Huyền Trân đứng thẳng người mặt hướng về trước thôi, rồi sau đó vũ đoàn đi ra diễn, nhạc lên, thì ánh sáng sân khấu sáng lại toàn bộ thì cô Lê Khánh đi vô cánh gà rồi. Cá nhân con nghĩ khi diễn cái lớp này nè thì khán giả dưới coi sẽ cảm nhận được là Giáng Hương tâm huyết, tận tụy với cái nghiệp diễn và trong cái tận tụy đó là bao gồm luôn cái mang ơn khán giả mà mặc cho cái cơn đau tim nó lên đỉnh rồi, đau mà mặt tái mét, mồ hôi nhễ nhại mà vẫn diễn ra được nhân vật Huyền Trân, ý là khi khán giả dưới coi thì mặc định đó là Huyền Trân chứ không phải là Giáng Hương. Con ra ý tưởng vậy vì hồi nhỏ con ngồi coi tuồng cải lương với Ngoại có phân cảnh cô kia vô vai tướng độc thoại rồi đi bộ rất là uy dũng song vẫn rất cuốn khán giả xem cho đến cuối cùng khi mà cô đó ngã xuống do lên cơn đau vì bệnh thì lúc này có 1 anh đóng lính bên phe cổ vội chạy lại đỡ thì cổ thoại câu “Chiến tiếp đi! Mặc ta, nơi chiến trường đẫm máu sanh tử là lẽ thường tình, Tướng cũng lúc tử trận cũng là chuyện thường tình! Hãy chiến đấu tiếp đi! Y lệnh!” thì cô đó nhắm mắt thì khán giả dưới đó tưởng là lớp diễn thôi chứ hoàn toàn không biết rằng cô đó chết thiệt trên sân khấu. Hôm 7/1 vừa qua con đi coi thì tới lớp mà Giáng Hương nhất nhất phải đi ra diễn cho bằng được cái độc thoại ấy ạ, thì con chợt nhớ đến cô diễn viên tuồng hát bội mà ngày nhỏ con coi với Ngoại nên con (em) mới thử nói với cô bác anh chị ạ. Con (em) nghĩ rằng giờ mà chế thêm cái này sẽ khó thực hiện vì đã qua cái phúc khảo rồi, thêm nữa là cô bác anh chị cũng bận rộn. Dạ mà, cô chú anh chị đọc bình luận này của con (em) cũng đã vui lắm rồi ạ. Thương chúc cô bác anh chị một ngày ý vị ạ!
Nguyễn Minh Nhật –
Kịch của bác Thành Lộc rất hay, ý nghĩa và sâu sắc chứ không như những vở diễn của những sân khấu khác!
Thu Vũ –
T là nữ. T rất yêu thích vở diễn này. Đặc biệt T mê mẩn cô diễn viên Lê Khánh và thấy hạnh phúc lây cho em Khải là chồng của Khánh ngoài đời. Em Khánh đẹp trong lời ăn tiếng nói, ánh mắt, gương mặt, cử chỉ, cả đôi bàn tay bàn chân nữa. Khánh thông minh nên em thoại dễ gây cười, khán giả như mình xem ko biết chán. T cảm ơn thật nhiều cả ekip đã đem tới khán giả một tác phẩm công phu, ý nghĩa và rất đáng xem.
N.Phương –
Dạ trước hết con cám ơn cô chú Thiên Đăng đã cho con một đêm thưởng thức nghệ thuật thật trọn vẹn ạ. Đây là cảm xúc của con khi xem Giáng Hương ạ.
Giáng Hương là một vở kịch vừa nghệ mà lại rất đời. Nàng Giáng Hương đến để bắt khán giả đối diện với sự thật, với một xã hội đầy những gam màu hỗn độn: đen, đỏ, xám, và trắng.
Nếu như cứ khư khư giữ lấy sắc trắng của thuở ban đầu, của những khát vọng, niềm tin và hoài bão thì ôi thôi chắc ta chỉ có thể mãi ngắm “những bức tranh cổ lỗ đã phai màu.”
Nhưng nếu chạy theo ánh đen của thời đại, của tiền bạc và địa vị, có hay chăng ta sẽ tự đánh mất bản thân mình và rồi dần “tự chìm vào bóng tối”?
Hoạ chăng khi ta tìm được cái ngách hẹp giữ hai bờ thế giới ấy, ta sẽ thấy vô vàn sắc xám và đỏ. Gam màu xám ở đây chính là cậu Quốc Sơn và kép Ba Hoài, là người đã níu mợ Giáng Hương lại khi mợ đã dần thả trôi bản thân theo vòng xoáy của thời cuộc. Còn sắc đỏ ở đây lại chính là bản thân mợ Giáng Hương, khi mợ tìm thấy Huyền Trân công chúa trong chính linh hồn của mợ. Và mợ ơi, mợ nói đúng, mợ chỉ có thể là Huyền Trân chứ không thể là Chiêu Quân được! Sắc đỏ là gam màu mãnh liệt nhất, với con ấy lại đại diện cho chính bản thân mình. Chính mình phải tin vào bản thân mình thì dù ngoài kia miệng đời cay nghiệt mình mới vẫn vững tâm mà bước tiếp. Không chỉ một mình Giáng Kiều đâu, con tin cả khán phòng hôm ấy đều muốn vỗ tay cho mợ.
À, khán giả còn phải cám ơn cậu Lĩnh Nam nữa chứ! (mặc dù có thể coi cậu là phản diện trong cái nhà này đó đa) Nếu nói “nghệ thuật phải thật và đẹp” thì trong cậu Lĩnh Nam, cái “thật” lại hiện lên rõ ràng hơn một chút so với mợ. Nhưng cậu ạ, cậu lại là hình tượng của những nhóm người mà hiện nay ta đang phải gặp trong cuộc sống, và thật tâm, ta không thể đoán định được cậu thuộc gam màu nào. Cậu đương nhiên không phải là màu trắng, nhưng cậu cũng chẳng “đen” như Mỹ Tiên đâu, và cái sắc đỏ trong tim cậu dành cho sân khấu vẫn còn nóng lắm! Cậu chạy theo vật chất, và cậu dặn lòng sẽ buông bỏ cái tên mà cậu và mọi người tin yêu cậu đã xây dựng suốt mấy mươi năm. Nhưng cuối cùng, chính sắc đỏ trong tâm cậu đã giữ cậu lại, và điều ấy làm khán giả mừng. Vì cậu biết không, lắm lúc ta đã thấy nhiều người đã tự bỏ đi ánh đỏ ấy rồi chạy theo những thứ xa hoa phù phiếm kia. Họ đánh mất bản ngã của chính mình, họ đan tâm tổn thương những người quan tâm họ nhất, và họ trở thành một con rối đầy xấu xí của tiền bạc.
Bản thân con tuy chưa phải là người có thể cảm nhận và hiểu biết quá sâu xa về nghệ thuật, con tin Giáng Hương là một chiếc gương sáng trong nhất để ta tự soi lại mình, để sửa mình, và để tự hỏi liệu có phút giây nào ta đã sống như cái cách ông Lĩnh Nam đang “tồn tại” hay chưa?
Quỳnh Anh –
Kịch rất hay, xem rất cảm xúc. Mình xem từ hồi Vân Trang diễn vai phụ, mà giờ đã đổi nhân vật.