Từ “Sang sông” đến “Chuyến đò định mệnh” (Nguồn: thethaovanhoa.vn)

Sân khấu kịch Thiên Đăng vừa ra mắt vở diễn Chuyến đò định mệnh (kịch bản: Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn: NSND Trần Minh Ngọc) với nhiều tầng ý nghĩa khiến người xem phải suy ngẫm.

Được cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tự chuyển thể từ truyện ngắn Sang sông của chính ông, đây đúng nghĩa là một kịch bản “khó dựng, khó diễn và cả khó xem” như phát biểu của NSƯT Thành Lộc.

Vượt qua chướng ngại

Câu chuyện kịch không phức tạp, khi chỉ là những mẩu đối thoại rời rạc giữa 11 con người tình cờ gặp nhau trên một chuyến đò. Họ không có những cái tên cụ thể, chỉ được định danh bằng “chiếc mặt nạ” đang mang. Như là mặt nạ chị lái đò, nhà sư, nhà giáo, nhà thơ, một tên cướp, một cặp tình nhân, hai mẹ con nữ đại gia, hai ông quan chức kiêm nghề buôn đồ cổ… Một tập hợp đủ các thành phần trong xã hội, hội tụ cả nam phụ lão ấu, lẫn lộn thiện ác trên hành trình sang sông – thường được gắn với triết lý “đáo bỉ ngạn” trong nhà Phật.

Từ "Sang sông" đến "Chuyến đò định mệnh" - Ảnh 1.
Kiều Ngân vai cô lái đò (trái) và NSƯT Thành Lộc vai nhà thơ. Ảnh: H.K

Trên chuyến đò tìm đến bến bờ giác ngộ ấy, mỗi con người đều phải vượt qua chướng ngại, ngăn cách không chỉ đến từ bên ngoài, mà còn từ chính những tập tính, thiên kiến đến từ bên trong.

Đó là nhà giáo già đạo cao đức cả nhưng yếm thế, luôn chua chát với cuộc đời bằng giọng điệu thở than, trách móc. Đó là nhà thơ vui vẻ và cởi mở, dùng ngôn từ văn chương bay bổng, dùng cái đẹp của trí tưởng tượng để khỏa lấp hiện thực đầy thất vọng. Đó là nữ đại gia luôn sợ hãi với mọi thứ, đến nỗi không thể tận hưởng một chút không khí trong lành. Đó là gã quan chức ngụp lặn trong vàng son vật chất. Hoặc đó là cặp tình nhân vô tư chạy theo bản năng bằng những ứng xử thiếu tế nhị, bất chấp sự có mặt của những người xung quanh…

Dường như mọi con người trên chuyến đò đều bị thực tại chi phối, nơi chiếc mặt nạ định danh là điều kiện cần để đưa họ đến chợ Phù Vân. Nhưng nó cũng là trở ngại để nhận ra con người thật của mình…

Từ "Sang sông" đến "Chuyến đò định mệnh" - Ảnh 2.
NSƯT Thành Lộc vai nhà thơ, Lê Khánh vai nữ đại gia

Và trên chuyến đò có một nhân vật không được ai ưa là tên cướp. Hắn tướng mạo dữ dằn, bị xếp loại bất lương và xa lánh ngay từ khi xuất hiện. Vậy mà hắn vẫn ở đó, như một mảnh ghép không thể rũ bỏ của chốn nhân sinh. Con người chính là như vậy, một tổng thể bao gồm cả thiện và ác tiềm ẩn trong vô thức, nhưng tùy thuộc cơ duyên mà lựa chọn hướng phát triển.

Vậy nên, khi tất cả mọi người buông xuôi trước nghịch cảnh, chính tên cướp đã đứng ra quyên góp. Cũng chính hắn đã đập vỡ chiếc bình để cứu đứa bé. Hành động của tên cướp có ý nghĩa như câu “phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật”. Một người dù xấu xa đến mức nào, nhưng chỉ cần kiên quyết vẫn có thể đánh thức Phật tính bên trong, như chính cái cách hắn dứt khoát quăng đi chiếc túi chứa ngọc ngà châu báu vậy.

Hình tượng con “Trời ơi”

Hình tượng con quái vật xuất hiện giữa dòng sông là một phép ẩn dụ đầy thú vị. Nó được gọi là con “Trời ơi”, câu cửa miệng thường được thốt ra mỗi khi thảng thốt trước điều gì đó. Người ta hoặc kêu trời để van xin, oán trách, nhưng cũng rất sợ hãi ông trời. Bởi điều đó đại diện cho vận mệnh, cho vô thường có thể ập đến với bất cứ ai và mang đi những thứ quý giá nhất.

Từ "Sang sông" đến "Chuyến đò định mệnh" - Ảnh 3.
NSƯT Hữu Châu vai nhà sư (phải), Lương Thế Thành vai tướng cướp

Nhưng dường như sau tất cả, quyển sách của ông giáo, tập thơ của nhà thơ… vẫn còn đó. Dù chúng không hoàn hảo, vẫn còn lắm thiếu sót, hoặc bị người đời bỏ quên, thì tri thức, tâm hồn và Phật tánh vẫn không bao giờ mất. Vô thường không thể tránh khỏi, vậy nên, người ta chỉ có thể chấp nhận và hiểu nó là sự cần thiết để giác ngộ, giống như lời thì thầm của những chiếc sọ: “Tôi cần một chút mất mát cho lòng độ lượng”.

Vở kịch Chuyến đò định mệnh không dễ xem, vì nặng tính triết lý, nếu dựng không khéo dễ trở thành giáo điều, nhồi nhét thông điệp. Nhưng cách dàn dựng dung dị của đạo diễn Trần Minh Ngọc cùng lối diễn tự nhiên của dàn diễn viên đã giúp vở kịch “mềm” đi rất nhiều. Những tên tuổi quen thuộc của Thiên Đăng như NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, Lê Khánh, Lương Thế Thành, Huy Tứ, Trương Hạ, Quốc Trung, Kiều Ngân, Mạnh Hùng, Xuân Phạm, Mai Chi… đã có sự tung hứng ăn ý và rất duyên. Không cần phô trương hoặc quá cường điệu hình thể ồn ào, cách thả thoại khéo léo, nhấn giọng lão luyện… vẫn làm khán giả cảm xúc.

Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/tu-sang-song-den-chuyen-do-dinh-menh-2024100305464562.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *