Sân khấu Thiên Đăng của NSƯT Thành Lộc vừa ra mắt Giáng Hương, vở kịch không chỉ chinh phục khán giả mà còn đánh thức những trái tim yêu nghề giữa một thị trường sân khấu đang có phần suy kém về số lượng lẫn chất lượng.
Có thể nói soạn giả NSND Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) là một “tượng đài” của sân khấu, của cải lương. Ông không chỉ là soạn giả, mà còn là một kép đẹp, một đạo diễn, là ông bầu, một trí thức mê nghệ thuật. Sân khấu về khuya của Năm Châu từng được những nghệ sĩ lừng lẫy như Thanh Nga, Thành Được, Phượng Liên, Thanh Sang, Ngọc Giàu, Bảo Quốc, Thanh Kim Huệ… biểu diễn, nên khi Thành Lộc đổi tên thành Giáng Hương, một phiên bản nhạc kịch, có không ít những lo lắng, nghi ngại. Nhưng vở công diễn đã cho thấy tài hoa của soạn giả Năm Châu và tài hoa của Thành Lộc đồng điệu, nâng cánh cho nhau. Khán phòng với hàng trăm khán giả thuộc giới chuyên môn như đạo diễn, diễn viên kịch, cải lương, phim ảnh… đã vỡ òa cảm xúc, Giáng Hương lan tỏa một năng lượng tích cực, kích thích người ta làm nghề tử tế, và đó mới thật sự là giá trị của vở diễn.
Câu chuyện ông Năm Châu đề cập trong Sân khấu về khuya cách đây nửa thế kỷ, đến nay vẫn không hề lạc hậu. Vẫn là chuyện sân khấu có lúc chạy theo hướng thực dụng, chiều chuộng những khán giả thời thượng, bị giằng xé, co kéo trước sự nghiêm túc hay dễ dãi, khó khăn hay danh lợi, và nghệ sĩ chao đảo trước những cơn bão đời, bão lòng… Tình yêu của Giáng Hương và Lĩnh Nam được cài vào để nói về thân phận nghệ sĩ, thân phận sân khấu. Cuối cùng, vẫn là thông điệp dứt khoát của ông Năm Châu: sân khấu phải “thật và đẹp”, thánh đường phải sạch. Đó cũng là lời nhắc nhở cho những nghệ sĩ hôm nay.
Ông Năm Châu viết cải lương rất ít bài ca, nên Thành Lộc chuyển sang kịch nói có phần dễ dàng. Hầu như anh giữ nguyên những câu thoại đắt giá của Năm Châu, bởi ông viết rất chỉn chu. Thành Lộc có thêm bớt vài chỗ, cũng rất đắt giá, khiến vở diễn tiếp cận được thời đại, phù hợp với tâm thế khán giả bây giờ. Và cách dựng nhạc kịch của Thành Lộc vô cùng sinh động, khán giả bị cuốn theo say mê. Điểm nổi bật của vở là âm nhạc rất hay, kết hợp giỏi giữa bài bản gốc trong vở cải lương và những ca khúc mới soạn, tôn vinh cải lương một cách tự nhiên mà vẫn bật lên được sự trẻ trung, mới mẻ. Thiết kế sân khấu giản dị mà sang trọng, ánh sáng gây ấn tượng mạnh bởi được tính toán công phu. Đơn cử, khi rọi vào ba nhân vật ngồi với nhau trong một tình huống căng thẳng, thì luồng sáng chiếu vào Mỹ Tiên lại có màu đỏ của sự hằn học, háo thắng, tranh giành; luồng sáng chiếu vào Lĩnh Nam thì nhợt nhạt, trắng bệch như cái xác không hồn, bởi anh ta đang mất đi lý tưởng và năng lực, phải phụ thuộc vào kẻ nhiều tiền; còn ánh sáng rọi vào Giáng Hương lại dịu dàng, thanh nhẹ như chính tâm hồn và tình yêu của cô. Những xử lý mang ý đồ nghệ thuật đều khiến người xem thích thú.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nsut-thanh-loc-tai-hoa-va-tre-trung-voi-giang-huong-185230921192222628.htm