(NLĐO) – Từ 26-11, vở kịch “Duyên thệ” (tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc dựa theo hai tiểu thuyết “Bỏ vợ” và “Bức thư hối hận”; đạo diễn NSƯT Hữu Châu) sẽ ra mắt khán giả.
NSƯT Hữu Châu và NSƯT Thành Lộc trong vở “Duyên thệ”
Ngay trong suất diễn phúc khảo chiều 24-11, vở kịch đã nhận được lời ca ngợi của giới chuyên môn, đồng thời không ngớt lời khen đối với 2 vai trò của NSƯT Hữu Châu trong vở này, đó là diễn vai ông Thanh và đồng thời là đạo diễn.
Với giọng văn dung dị đậm chất Nam Kỳ, bút pháp và câu chuyện trong tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh đã kiến tạo cho riêng ông một thế giới mới mang nét văn xuôi tự sự, đơn giản mộc mạc nhưng lại chứa đựng vô vàn cảm xúc sâu lắng. Vì thế khi được chuyển thể kịch, chất liệu văn học dễ lay động lòng người.
Một cảnh trong vở “Duyên thệ” – Sân khấu Thiên Đăng
Vốn yêu dòng văn học của Hồ Biểu Chánh từ khi còn là sinh viên Trường Nghệ thuật Sân khấu II, nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, NSƯT Hữu Châu đã tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc khi đọc kịch bản của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc – cô giáo của một thời anh còn ngồi trên ghế nhà trường.
Chính vì thế anh đã nhanh chóng đưa lên sàn tập để sân khấu Thiên Đăng công diễn tác phẩm này theo đúng tiến độ, sau một đợt ra mắt các vở: “Giáng Hương – Sân khấu về khuya” (đạo diễn NSƯT Thành Lộc), “Alo, lộ hàng” (đạo diễn NSƯT Thành Lộc), “Ngôi nhà trên mây” (đạo diễn Tuấn Khôi).
Diễn viên Lê Phương và NSƯT Thành Lộc trong vở “Duyên thệ”
Là kịch bản được chuyển thể từ hai tiểu thuyết của một trong những nhà văn tiên phong khi văn học chữ Quốc ngữ vào thế kỷ XX ở miền Nam ra đời, “Duyên thệ” trước hết là một kịch bản có nhiều đất để đạo diễn khai thác.
Phải thừa nhận với kinh nghiệm của một nghệ sĩ diễn xuất giỏi, NSƯT Hữu Châu đã có một bảng dựng rất đẹp, để “Duyên thệ” chạm đến mạch cảm xúc khán giả khiến những ai yêu thích văn chương của Hồ Biểu Chánh phải rơi nước mắt khi xem “Duyên thệ”.
Các diễn viên tham gia vở “Duyên thệ” – Sân khấu Thiên Đăng
Nhà văn xuất thân từ một gia đình làm nông ở làng Bình Thành, tỉnh Gò Công và được cho đi học chữ Nho từ thuở nhỏ, sau này chuyển sang học chữ Quốc Ngữ rồi vào trường trung học Mỹ Tho và Sài Gòn. Chính vì thế nhà văn là nhân chứng sống cho sự giao thoa của hai thời đại, khi Nho học dần lụi tàn trong sự hội nhập của chữ Quốc ngữ, những tác phẩm đầu tay của ông đã trở thành điểm nổi bật cho nền văn học thời bấy giờ và giới sáng tác sân khấu đã dựa theo đó mà chuyển thể từ cải lương đến phim ảnh và kịch nói.
Dù cốt truyện đơn giản nhưng tư tưởng sâu sắc nên khi dàn dựng, NSƯT Hữu Châu bám sát đời sống nhân vật với đúng văn phong, không gian và cả những ngôn từ hết sức Nam kỳ của thời người Pháp còn đô hộ nước ta.
NSƯT Hữu Châu luôn tạo cơ hội để các diễn viên trẻ có vai diễn hay
Các nhân vật trong vở “Duyên thệ” như: Huyền (Lê Phương), Cang (Thành Lộc), Thanh (Hữu Châu), Tư Lẽo (Phương Dung), Tám Tồn (Thành Khôn), Bảy Linh (Phi Phụng), Cường (Trương Hạ), Bình (Lương Thế Thành), Phụng (Trang Tuyền), Loan (Nghiêm Nhi)… đã diễn đúng cái chất Nam Kỳ mộc mạc nên chạm đến trái tim của khán giả, qua đó khơi dậy lòng trắc ẩn về việc phản kháng với cái ác, tôn vinh điều thiện.
Duy nhất vai diễn phải thoại giọng bắc của NSƯT Thành Lộc cứ ngỡ sẽ “đá lạc đội hình”, nhưng anh đã biết gắn kết rất uyển chuyển, để vai Cang thật ấn tượng.
Đặc biệt hơn, chính giọng hát của NSƯT Thành Lộc với ca khúc “Con thuyền không bến” của Đặng Thế Phong đã khắc sâu hơn tâm trạng của nhân vật người cha vốn đã gây biết bao lầm lỗi, xúc phạm đến đạo nghĩa vợ chồng.
Nhiều nhà nghiên cứu đã gọi nhà văn Hồ Biểu Chánh là hạt ngọc của văn học Nam Bộ những năm đầu thế kỷ XX quả là không sai, bởi ngoài văn phong của ông, câu chuyện ông kể cho đến thời điểm này vẫn không lạc hậu, vẫn đầy ắp những giáo lý của văn hóa người Việt.
Một cảnh trong vở “Duyên thệ” trên sân khấu Thiên Đăng
Và chính ngôn từ được nâng niu đã trở thành những chuyến xe chở hồn nhân vật từ những trang văn của Hồ Biểu Chánh đến sàn diễn Thiên Đăng, mang lại cảm xúc dạt dào cho người xem, tuy không hoa mỹ nhưng lại ẩn chứa vô vàn nét đẹp dung dị qua bảng dựng của đạo diễn NSƯT Hữu Châu.
Còn vai ông Thanh dù là vai phụ nhưng toát lên tinh thần khẳng khái, quý trọng điều phái, xa lánh điều quấy. NSƯT Hữu Châu không diễn mà sống trọn vẹn với hơi thở của nhân vật này, thêm một lần nữa trong hành trang làm nghệ thuật NSƯT Hữu Châu lại có thêm một vai phụ rất hay.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp